Theo điểm đến Đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc

Một hàng rào điện được sử dụng trong Khu phi quân sự Triều Tiên để ngăn cách Triều Tiên với Hàn Quốc. Đằng sau hàng rào, có một dải mìn ẩn bên dưới nó.

Do khu phi quân sự Triều Tiên ở biên giới Hàn-Triều luôn được tuần tra rất nghiêm ngặt với số lượng lớn bãi mìn rải rác, có các hàng rào điện, đồn bảo vệ và các thiết bị quân sự khác ở hai bên biên giới nên rất ít người Triều Tiên đào tẩu ở khu vực này vì họ có thể bị bắn chết trên đất Triều Tiên trước khi sang được phía bên kia. Những trường hợp đào tẩu qua khu phi quân sự thường là từ chính những quân lính Triều Tiên canh gác ở đó, khi họ là những người chịu trách nhiệm chính cho an ninh của khu vực.

Năm 2017, lính gác Triều Tiên Oh Chong Song đã liều mình lao qua làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự gần biên giới với Hàn Quốc, bị trúng 5 phát đạn từ các đồng đội, nhưng cuối cùng vẫn may mắn sống sót[12]. Oh kể rằng anh bắt đầu uống rượu vào đêm chạy trốn sau một cuộc cãi vã với bạn bè, và anh quyết định đi đến biên giới sau đó. Oh cho hay anh đã không có đường lui trong quá trình vượt biên do có thể bị xử tử nếu quay đầu lại.

Thông thường, người đào tẩu Triều Tiên trên đường đến Hàn Quốc đều vượt biên sang Trung Quốc trước. Trong trường hợp lý tưởng nhất, những người đào tẩu sẽ vượt biên vào Trung Quốc giữa đêm tối, sau đó trải qua quãng đường dài 4.300 km từ Trung Quốc sang Lào, rồi vượt biên vào Thái Lan với đủ loại phương tiện giao thông như xe buýt, xe máy, thuyền và thậm chí đi bộ băng rừng. Tại đây, sau khi bị chính quyền sở tại phạt hành chính vì tội nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ được gửi tới đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok. Tiếp theo đó, quy trình chuyển họ tới Seoul được kích hoạt. Và một khi đã đặt chân đến thủ đô Seoul, tất cả những người tị nạn Triều Tiên nghiễm nhiên được công nhận là công dân Hàn Quốc[11].

Thực ra, những người tị nạn Triều Tiên có một cách dễ dàng hơn để sang Hàn Quốc từ Trung Quốc, đó là xâm nhập vào đại sứ quán hay các lãnh sự quán Hàn Quốc ở nước này, và sẽ được bảo vệ tuyệt đối ở đó. Đã có những sự việc như những người tị nạn cố gắng lẻn vào đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh hay lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thẩm Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã bố trí lực lượng an ninh, cảnh sát dày đặc xung quanh đại sứ quán và các lãnh sự quán Hàn Quốc để giám sát, ngăn chặn những người Triều Tiên muốn vượt biên bằng cách này. Ngay cả khi đã được bảo vệ ở đại sứ quán và được cấp vé máy bay sang Hàn Quốc, những người Triều Tiên vẫn có thể bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ sau đó, khi họ bước chân ra khỏi khu đại sứ quán để di chuyển đến sân bay.

Bên cạnh tuyến đường bộ, đã có những trường hợp người Triều Tiên đào thoát qua Hàn Quốc bằng đường thủy. Tháng 7 năm 2019, ba người Triều Tiên đã tự chèo một chiếc thuyền gỗ đến Hàn Quốc, con thuyền sau đó đã được đưa đến một bến cảng quân sự ở Yangyang, tỉnh Gangwon để điều tra. Trước đó một tháng, một chiếc thuyền đánh cá khác cũng từ Triều Tiên chở 4 người đàn ông đã cố gắng vượt qua vùng biển được giám sát chặt chẽ giữa hai miền Triền Tiên mà không bị phát hiện. Hai trong số bốn người bị bắt đã được gửi trở lại Triều Tiên theo nguyện vọng của họ trong khi hai người còn lại nói rằng họ muốn bỏ trốn khỏi miền Bắc nên được giữ lại[13].

Đã có trường hợp chính quyền Hàn Quốc từ chối cho người Triều Tiên tị nạn và trục xuất họ về miền Bắc. Tháng 11 năm 2019, hai người đàn ông đã sát hại 16 thuyền viên trên một chiếc tàu chở người vượt biên, trước khi dùng phương tiện này đến Hàn Quốc. Sau khi vượt qua biên giới trên biển giữa hai miền, những kẻ này đã bị hải quân Hàn Quốc bắt giữ. Theo hãng tin Yonhap, hai kẻ này đã cùng với một người đàn ông khác giết thuyền trưởng của chiếc tàu vào cuối tháng 10 do ông này đã làm nhục và đánh đập họ. Sau đó, những kẻ này tiếp tục giết các thuyền viên còn lại trên tàu, vì những người này phản đối hành động giết người của họ. Thi thể của 16 nạn nhân đều bị ném xuống biển. Sau khi gây án, những kẻ này muốn quay lại Triều Tiên, nhưng khi vừa đặt chân đến bến cảng nước này, một trong số họ đã bị cảnh sát địa phương nghi ngờ và bắt giữ. Hai người còn lại bỏ trốn lên thuyền và lại tiếp tục đến Hàn Quốc. Dù Hàn Quốc thường cấp chế độ tị nạn cho những người đào thoát Triều Tiên, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, hai người đàn ông này bị xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nên bị gửi trả lại cho Triều Tiên ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Nhiều khả năng, họ sẽ phải đối mặt với án tử hình tại Triều Tiên[14].

Trung Quốc

Các tuyến đường điển hình đến Hàn Quốc của người Triều Tiên là qua Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trung Quốc là điểm vượt biên phổ biến nhất của những người tị nạn Triều Tiên. Khoảng 76% đến 84% số người đào thoát Triều Tiên được phỏng vấn ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc đến từ các tỉnh giáp Trung Quốc thuộc đông bắc nước này, cụ thể là tỉnh Hamgyong Bắc. Sông Đồ Mônbiên giới Trung-Triều thường là nơi xâm nhập Trung Quốc chủ yếu của những người tỵ nạn. Dòng sông này có thể băng qua dễ dàng do bị đóng băng vào mùa đông và rất nông, thậm chí cạn nước trong mùa hè. Nhiều người Triều Tiên sống gần biên giới Trung Quốc, nhờ biết một chút tiếng Trung và ngoại hình cũng tương đối giống người bản địa nên có thể dễ dàng vượt qua chặng đường này. Từ đây, họ có thể làm việc bất hợp pháp, mặc dù có thể bị bóc lột, hoặc tìm cơ hội sang Hàn Quốc.[15][16].

Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ, 30.000 đến 50.000 trong số nhiều người Triều Tiên đang lẫn trốn có tư cách pháp nhân của người tị nạn.[17] Những người tị nạn này thường không được xem là thành viên của cộng đồng người Triều Tiên, và cuộc tổng điều tra dân số của Trung Quốc không tính đến họ. Một số người không có khả năng đến Hàn Quốc đã kết hôn với người gốc Triều Tiên ở Trung Quốc và định cư ở đó; họ hòa trộn vào cộng đồng nhưng sẽ bị trục xuất nếu bị chính quyền phát hiện.

Giáo sư Courtland Robinson thuộc Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins ước tính rằng trong quá khứ, tổng số 6.824 và 7.829 trẻ em được sinh ra bởi phụ nữ Triều Tiên ở ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc.[18] Gần đây, các kết quả điều tra được tiến hành vào năm 2013 bởi John Hopkins và Viện Nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (còn gọi là KINU) cho thấy có khoảng 8.170 người đào thoát Triều Tiên và 15.675 trẻ em Triều Tiên ở cùng ba tỉnh Đông Bắc là Cát Lâm, Liêu NinhChâu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên.

Trong giữa những năm 1990, tỷ lệ nam và nữ đào thoát là tương đối cân bằng[19]. Vào đầu những năm 1990, lao động nam giới có giá trị vì những người đào thoát Triều Tiên có thể làm việc tại các nhà máy và xí nghiệp Trung Quốc và được đổi lại có nơi ẩn náu[19]. Tuy nhiên, do các vấn đề an ninh xã hội gia tăng bao gồm tội phạm và bạo lực liên quan đến người Triều Tiên, giá trị lao động nam giảm.[19] Mặt khác, nữ giới có thể tìm thấy phương án giải quyết dễ dàng hơn bao gồm thực hiện các nhiệm vụ lao động nhỏ hơn và kết hôn với người dân Trung Quốc bản địa[19]. Tính đến nay, 80-90% người di tản khỏi CHDCND Triều Tiên trú ngụ ở Trung Quốc là phụ nữ định cư qua hôn nhân thực tế; một số lượng lớn họ đã phải trải qua hôn nhân cưỡng ép và buôn người.[19][20]

Trước năm 2009, hơn 70% phụ nữ Triều Tiên đào thoát là nạn nhân của nạn buôn người[20]. Do tình trạng dễ bị thương tổn của họ vì là những người di cư bất hợp pháp nên họ được bán với giá thấp, khoảng 3.000 đến 10.000 nhân dân tệ.[20] Những hành vi lạm dụng bạo lực bắt đầu đến với họ ở những căn hộ gần biên giới Trung-Triều, từ đó những người phụ nữ này được chuyển đến các thành phố xa hơn để làm việc như nô lệ tình dục. Chính quyền Trung Quốc nhiều lần truy lùng, bắt giữ và hồi hương những nạn nhân Triều Tiên này. Chính quyền Triều Tiên tiếp tục đưa người bị buộc hồi hương vào các trại lao động hình sự và/hoặc hành quyết họ, đồng thời cho diệt chủng những đứa trẻ mang dòng máu Trung Quốc của họ "để bảo vệ dòng máu tinh khiết của Triều Tiên" và ép phá thai đối với những người hồi hương mang thai mà không bị hành quyết.[21][22] Sau năm 2009, tỷ lệ phụ nữ Triều Tiên đào thoát đã có liên quan đến buôn người đã giảm tới 15% kể từ khi có nhiều người đào tẩu bắt đầu sang Hàn Quốc từ Trung Quốc thông qua các nhóm có tổ chức do các công ty môi giới lãnh đạo. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn vì nhiều phụ nữ được đào tạo thường phủ nhận kinh nghiệm về mại dâm.[20]

Trung Quốc từ chối cấp tình trạng tị nạn cho những người đào thoát Bắc Triều Tiên và coi họ là những người di cư kinh tế bất hợp pháp. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ và trục xuất hàng trăm người đào thoát về lại Triều Tiên, đôi khi trong các cuộc càn quét di dân hàng loạt. Công dân Trung Quốc nếu không bắt quả tang hoặc bao che những người đào thoát sẽ phải đối mặt với án phạt tù. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, chính phủ Trung Quốc tỏ ra tương đối khoan dung với những người đào thoát Bắc Triều Tiên.[23] Trừ khi chính phủ Bắc Triều Tiên gửi yêu cầu đặc biệt, chính phủ Trung Quốc không thể hiện sự kiểm soát gắt gao đối với những nơi cư trú của người Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Trung Quốc. Số người đào thoát vì vậy tăng mạnh, gây được sự chú ý của quốc tế.[23] Do đó, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra những người đào thoát Bắc Triều Tiên và bắt đầu trục xuất họ.[23]

Vào tháng 2 năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã buộc hồi hương 19 người đào thoát Bắc Triều Tiên đang bị giam giữ tại Thẩm Dương và năm người đào thoát ở Trường Xuân từ cùng một địa điểm. Trường hợp của 24 tù nhân, những người đã bị giam giữ từ đầu tháng 2 năm đó, đã thu hút sự chú ý của quốc tế do hình phạt nghiêm khắc được báo cáo của Triều Tiên đối với những người cố gắng đào tẩu. Trung Quốc hồi hương người tị nạn Bắc Triều Tiên theo thỏa thuận được thực hiện với Triều Tiên, đồng minh của họ. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng những người bị hồi hương thường phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt, bao gồm cả tra tấn và cầm tù trong các trại lao động.[24]

Các nhà hoạt động nhân quyền của Hàn Quốc đang tiếp tục tiến hành các cuộc tuyệt thực và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Hoa Kỳ ngăn chặn việc Trung Quốc hồi hương những người tị nạn.[25][26][27]

Các tổ chức nhân quyền đã tổng hợp danh sách hàng trăm người đào thoát Bắc Triều Tiên bị Trung Quốc cho hồi hương.[28][29] Đối với một vài người trong số họ, số phận sau khi bị buộc hồi hương về Bắc Triều Tiên là từ bị tra tấn, giam giữ, bỏ tù cho đến tử hình. Danh sách này bao gồm cả các công nhân nhân đạo, những người bị ám sát hoặc bị bắt cóc bởi các đặc vụ Bắc Triều Tiên vì đã giúp đỡ người tị nạn.

Mông Cổ

Con đường ngắn hơn nhiều so với tuyến đường Trung Quốc - Lào - Thái Lan là tuyến đường Trung Quốc - Mông Cổ. Chính phủ Mông Cổ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhưng tỏ ra thông cảm với người tị nạn Triều Tiên. Những người tị nạn Triều Tiên bị bắt tại Mông Cổ đều được gửi đến Hàn Quốc, thậm chí còn được cấp một vé máy bay miễn phí.[30] Tuy nhiên, sử dụng tuyến đường này đòi hỏi những người đào tẩu phải vượt qua các địa hình khắc nghiệt của sa mạc Gobi. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn với Mông Cổ đã khiến tuyến đường này trở nên ít phổ biến hơn. Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Park Yeon-mi đã từng đào thoát qua Mông Cổ trước khi di chuyển sang Hàn Quốc.

Nhật Bản

Những người Triều Tiên nếu có phương tiện đường thủy có thể đào thoát sang Nhật Bản thông qua biển Nhật Bản. Do Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên, những người tị nạn Triều Tiên sẽ được chính quyền Tokyo bàn giao lại cho Hàn Quốc. Đã có nhiều trường hợp những người đào thoát Bắc Triều Tiên trốn thoát trực tiếp đến Nhật Bản. Vào tháng 1 năm 1987, một chiếc thuyền bị đánh cắp chở 13 người Bắc Triều Tiên đã dạt vào bờ ở cảng Fukui ở tỉnh Fukui và sau đó được đưa đến Hàn Quốc thông qua Đài Loan[31][32]. Vào tháng 6 năm 2007, sau chuyến đi thuyền sáu ngày, một gia đình bốn người Bắc Triều Tiên đã được cảnh sát biển Nhật Bản tìm thấy ngoài khơi bờ biển của tỉnh Aomori[33]. Sau đó họ được đưa đi định cư ở Hàn Quốc[34][35][36]. Vào tháng 9 năm 2011, cảnh sát biển Nhật Bản đã tìm thấy một chiếc thuyền gỗ chứa chín người, ba người đàn ông, ba phụ nữ và ba chàng trai. Nhóm đã đi thuyền trong năm ngày về phía Hàn Quốc nhưng đã trôi dạt về phía bán đảo Noto và tưởng rằng họ đã đến Hàn Quốc. Họ đã được tìm thấy trong tình trạng sức khỏe tốt[37]. Đến tháng 11 năm 2017, cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện một thi thể đàn ông và những mảnh vỡ của chiếc thuyền gỗ được cho là đã đào thoát từ Triều Tiên trên đảo Sado, ngoài khơi tỉnh Niigata[38]. Trước đó, cảnh sát thành phố Yurihonjo, tỉnh Akita cũng bắt 8 người đàn ông tự nhận đến từ Triều Tiên, sau khi tàu gỗ của những người này trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản[39].

Ngày 17 tháng 7 năm 2016, cảnh sát Nhật Bản bắt gặp một thanh niên người Triều Tiên đang lang thang trên đường tại quận Senzaki thuộc thành phố cảng Nagato ở tỉnh Yamaguchi. Người này khai với cảnh sát rằng anh ta đến từ Chongjin và đã bỏ trốn sang Senzaki bằng một chiếc thuyền gỗ băng qua biển Nhật Bản. Khi đến gần Senzaki, thanh niên này nhảy xuống biển, ôm một thùng nhựa và trôi dạt vào bờ tối trước đó. Người đào tẩu cũng khai là đã đào thoát vì bị chính quyền truy lùng do xem phim Hàn Quốc, một hành động phạm tội hình sự ở Triều Tiên[40].

Nhật Bản tái định cư khoảng 140 người dân tộc Triêu Tiên đã quay trở lại Nhật Bản sau khi ban đầu di cư sang Bắc Triều Tiên theo dự án "hồi hương" hàng loạt từ năm 1959-1984 của người Triều Tiên từ Nhật Bản. Dự án được cho là nhân đạo này, được Chongryon hỗ trợ và được thực hiện bởi Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, đã tham gia tái định cư cho khoảng 90.000 tình nguyện viên (chủ yếu là từ Hàn Quốc) ở Bắc Triều Tiên, được Chongryon gọi là "thiên đường trên trái đất"[41]. Một số người Triều Tiên đã hồi hương, bao gồm Kim Hyon-hui, một sinh viên của Yaeko Taguchi, tiết lộ bằng chứng về nơi ở của các công dân Nhật Bản đã bị bắt cóc bởi Triều Tiên.[42]

Truyền thông Nhật Bản đưa tin chính quyền Tokyo đang nghiên cứu các kế hoạch để ứng phó hàng chục nghìn người Triều Tiên sang Nhật tị nạn trong trường hợp bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh hoặc khủng hoảng khác, nhằm loại bỏ gián điệp và phần tử khủng bố trà trộn trong những người này[38].

Philippines

Trước đây Philippines đã từng là điểm trung chuyển cho người tị nạn Triều Tiên, thường đến từ Trung Quốc và sau đó được gửi sang Hàn Quốc.[43] Cũng có thể có một số người tị nạn Triều Tiên không biết đến đã trộn lẫn vào cộng đồng Hàn Quốc ở Philippines.[44] Đất nước này đã khó tiếp cận hơn trước vì những người tị nạn phải di chuyển qua Trung Quốc và lên thuyền đi đến quốc đảo này.

Nga

Những người tị nạn Triều Tiên hiếm khi vượt biên sang Nga, do biên giới Nga-Triều được canh gác nghiêm ngặt hơn và cộng đồng người Triều Tiên tại Nga chỉ là lẻ tẻ. Khi mối quan hệ Nga-Triều tạm thời nguội lạnh sau năm 1991, người đào thoát Triều Tiên có thể vượt biên sang Nga trước khi sang một nước thứ ba mà không lo bị chính quyền nước này bắt và trục xuất. Nhưng khi quan hệ giữa hai nước nồng ấm trở lại vào thập niên 2000, những người đào thoát sang Nga có nguy cơ bị trục xuất rất cao. Về mặt lý thuyết, Nga có thể cấp quyền tị nạn cho người đào thoát, nhưng họ cần phải cung cấp những bằng chứng thực sự thỏa đáng về lý do đào tẩu khỏi Triều Tiên. Do đa phần những người tị nạn Triều Tiên không có những tài liệu đủ sức thuyết phục để chứng minh việc họ đã bị áp bức chính trị hoặc sẽ bị bức hại ở quê nhà nếu hồi hương, chính quyền Nga thường sẽ trục xuất họ. Nga nói chung không chào đón người tị nạn Triểu Tiên. Trong tổng số 211 người Triều Tiên đào tẩu xin tị nạn ở Nga từ năm 2004 đến 2014, chỉ có hai người được tị nạn dài hạn, trong khi có 90 người chỉ được tị nạn tạm thời trong vòng một năm[45].

Một nghiên cứu của Đại học Kyung Hee ước tính khoảng 10.000 người Triều Tiên sống ở vùng Viễn Đông Nga. Nhiều người đã sang đây để làm việc ở các nhà máy, trang trại, trại khai thác mỏ hoặc gỗ do chính quyền Triều Tiên thành lập và quản lí ở đó, và cũng là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của quốc gia này[17]. Những công nhân ở đây phải lao động như nô lệ trong môi trường khắc nghiệt và luôn bị lực lượng an ninh Triều Tiên theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn ý định đào tẩu. Tuy nhiên, số người đào thoát thành công khỏi những trại lao động này rất đông. Cả cơ quan ngoại giao Hàn Quốc và cộng đồng người Triều Tiên tại Nga đều miễn cưỡng cung cấp hỗ trợ cho họ. Người ta tin rằng CHDCND Triều Tiên đã ra lệnh ám sát lãnh sự Hàn Quốc Choi Duk-gun vào năm 1996 cũng như hai công dân vào năm 1995, để đáp trả lại sự tiếp xúc của họ với những người tị nạn. Chính quyền Nga cũng nhiều lần can thiệp để truy bắt và trục xuất những công nhân Triều Tiên đào thoát khỏi các trại lao động ở đây, theo yêu cầu của Bình Nhưỡng[46].

Tính đến năm 1999, chỉ có khoảng 100 đến 500 người tị nạn Triều Tiên trong khu vực[47]. Tuy nhiên, số lượng đang tăng nhanh. Năm 2003, Serge Darkin, Thống đốc Primorsky Krai, đề nghị cho phép tới 150.000 người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc định cư ở Nga, nhưng kế hoạch của ông đã không được thực hiện[48].

Vào tháng 11 năm 2007, cơ quan thực thi pháp luật Nga đã bắt cóc một người xin tị nạn Bắc Triều Tiên trước một văn phòng Dịch vụ Di cư Liên bang ở Moskva và chuyển anh ta sang các đại lý của các dịch vụ đặc biệt của Bắc Triều Tiên. Người tị nạn sau đó đã trốn thoát khỏi một cơ sở ở Vladivostok và nhận được sự hỗ trợ của NGOUNHCR nhằm ngăn chặn nguy cơ bị trục xuất về Triều Tiên của anh ta. Người này sau đó đã được cấp quyền tị nạn ở một quốc gia phương Tây[49][50].

Châu Âu

Nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Liên minh châu Âu vì nhân quyền ở Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng có khoảng 1.400 người tị nạn Triều Tiên ở châu Âu vào năm 2014. Trích dẫn các số liệu thống kê của UNHRC báo cáo xác định các cộng đồng Triều Tiên ở Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thụy ĐiểnVương quốc Anh.[51]

Cộng đồng Triều Tiên lớn nhất ở châu Âu cư trú ở New Malden, tây nam Luân Đôn. Khoảng 600 người Triều Tiên được tin là cư trú trong khu vực,[52] điều đáng chú ý là cộng đồng Hàn Quốc cũng đông đáng kể.[53]

Theo báo cáo của Eurostat, tổng cộng 820 người Bắc Triều Tiên đã sinh sống ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong giai đoạn từ 2007-2016, với gần 90% trong số họ sống ở Đức và Anh.

Lào

Người đào thoát Triều Tiên thông thường sẽ vượt biên đến Thái Lan thay vì dừng lại ở Lào do chính quyền nước này vẫn có thể trục xuất họ. Mặc dù Lào từng được coi là nơi trú ẩn an toàn cho những người đào thoát Bắc Triều Tiên, vào ngày 27 tháng 5 năm 2013, 9 người đào thoát đã bị bắt ở đây và bị trục xuất trở lại Triều Tiên gây ra sự phẫn nộ quốc tế một phần vì một trong những người đào thoát là con trai của một kẻ bắt cóc các công dân Nhật Bản. Đại sứ quán Hàn Quốc khi ấy không thể hành động gì.

Ngày 17 tháng 6 năm 2013, nhờ sự can thiệp của Hàn Quốc, 20 người đào tẩu Triều Tiên ở Viêng Chăn đã tới Seoul thành công sau nhiều tuần lễ trú ẩn trong văn phòng Đại sứ quán Hàn Quốc ở Lào. Trước đó, Hàn Quốc đã phát hiện và chủ động chuyển 18 người đào tẩu đang ẩn náu từ một căn nhà ở Viêng Chăn tới khu nhà của đại sứ quán, rồi đón thêm hai người nữa tới Lào sau đó. Nhóm này, bao gồm cả trẻ em, người tàn tật, những bệnh nhân ung thư và người già, đã sống cùng nhau trong ba phòng ở một căn nhà tạm trong khu đại sứ quán trước khi được cấp vé máy bay sang Hàn Quốc[54].

Thái Lan

Thái Lan vốn hoan nghênh những người đào thoát Triều Tiên nên luôn được những người tị nạn Triều Tiên lựa chọn như điểm trung chuyển đáng tin cậy để đảm bảo cơ hội sang Hàn Quốc[17]. Tuy chính quyền Bangkok cũng xem những người tị nạn Triều Tiên là những kẻ di cư bất hợp pháp, họ lại bàn giao những người tị nạn này cho đại sứ quán Hàn Quốc thay vì trả về Triều Tiên. Nhận ra điều này, nhiều người tị nạn Triều Tiên đã chủ động đầu thú với cảnh sát Thái Lan ngay sau khi họ vượt biên vào nước này. Tuy nhiên, trước đó người tị nạn sẽ phải đi bộ nhiều ngày đường mòn trong rừng ở Lào và phải vừa lẩn trốn vừa chạy trong đêm tối để tránh các lực lượng tuần tra biên phòng. Để vào được lãnh thổ Thái Lan, những người tị nạn sẽ phải dùng thuyền để vượt qua sông Mekong rộng lớn.

Ngày 13 tháng 1 năm 2018, một chiếc thuyền nhỏ chở 12 phụ nữ đào tẩu Triều Tiên đã bị chìm ở sông Mekong đoạn biên giới giữa Lào và Thái Lan khiến hai người thiệt mạng. 10 người còn lại may mắn bơi trở lại Lào trước khi lên một con tàu khác để tới Thái Lan, sau đó họ đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giam. Nguồn tin cho biết những người phụ nữ Triều Tiên này đã đào thoát từ Triều Tiên sang tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc hôm ngày 4-1 và bắt đầu hành trình tới Hàn Quốc thông qua Việt Nam, Lào và Thái Lan[55].

Việt Nam

Nhiều người đào thoát sang Trung Quốc di chuyển tới các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Mặc dù Việt Nam vẫn là một đất nước cộng sản chính thức và duy trì mối quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, nhưng sự gia tăng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã khiến chính phủ Hà Nội nhiều lần phải lặng lẽ cho phép người tị nạn Triều Tiên di chuyển tới Seoul. Sự hiện diện ngày càng tăng của các tập đoàn Hàn Quốc ở Việt Nam cũng đã biến đây thành một thỏi nam châm cho những người đào thoát. Bốn trong số những nhân viên quản lý chi nhánh "ngôi nhà an toàn" lớn nhất ở Việt Nam được điều hành bởi những người Triều Tiên bỏ trốn và nhiều người đào thoát đã chỉ ra rằng họ đã chọn để vượt qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam bởi họ đã nghe về những ngôi nhà ẩn náu như vậy.[56] Tháng 7 năm 2004, 468 người tị nạn Triều Tiên đã được đưa tới Hàn Quốc trong vụ đào tẩu hàng loạt lớn nhất. Trước tiên, Việt Nam đã cố giữ vai trò của mình trong bí mật hàng không để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ Triều Tiên, và trước thoả thuận này, thậm chí những nguồn giấu tên trong chính phủ Hàn Quốc cũng chỉ nói với các phóng viên rằng những kẻ đào thoát đến từ "một nước châu Á không xác định".[57] Sau vụ vận chuyển hàng không 468 người trên, Việt Nam thắt chặt việc kiểm soát biên giới và trục xuất nhiều người quản lý của các "ngôi nhà an toàn" này về lại Triều Tiên.[56]

Trên thực tế, do có mối quan hệ tốt với Bình Nhưỡng, Việt Nam thường không chấp nhận người đào tẩu Triều Tiên và sẽ trục xuất họ trừ khi có sự can thiệp từ bên ngoài. Ngày 25 tháng 6 năm 2012, một nhà hoạt động Hàn Quốc họ là Yoo đã bị bắt ở Việt Nam vì giúp đỡ người tị nạn Triều Tiên để đào thoát.[58][59][60] Tháng 4 năm 2019, ba người tị nạn Triều Tiên bị bắt ở Hà Tĩnh và bị trục xuất về nước qua ngả Trung Quốc[61]. Đến tháng 11 năm 2019, 10 người đào thoát khác cũng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ tại khu vực Bắc Trung Bộ và bàn giao lại cho Trung Quốc[62].

Tháng 12 năm 2019, 11 người Triều Tiên đã bị chính quyền Việt Nam bắt ở Lạng Sơn, gần biên giới Việt-Trung. Ngày 4 tháng 1 năm 2020, một nhóm hoạt động giúp đỡ người tị nạn có trụ sở tại Seoul cho hãng tin Anh Reuters biết nhờ có sự can thiệp của nhiều tổ chức châu Âu, Việt Nam đã trả tự do cho 11 người Bắc Triều Tiên trên đường trốn sang Hàn Quốc. Nhiều tổ chức của châu Âu, phần lớn là các tổ chức phi chính phủ, đã đóng vai trò then chốt trong hồ sơ này[63].

Hoa Kỳ

Vào ngày 5 tháng 5 năm 2006, một người Triều Tiên giấu tên đã được Hoa Kỳ cấp tình trạng tị nạn, đó cũng là lần đầu tiên Hoa Kỳ chấp nhận người tị nạn Triều Tiên kể từ khi Tổng thống George W. BushĐạo luật Nhân quyền Triều Tiên vào tháng 10 năm 2004. Một nhóm người Triều Tiên tị nạn khác, đến từ một quốc gia Đông Nam Á giấu tên, bao gồm bốn phụ nữ nói rằng họ là nạn nhân của các cuộc hôn nhân cưỡng ép. Kể từ nhóm người tị nạn đầu tiên này, Hoa Kỳ đã thừa nhận khoảng 170 người tị nạn Bắc Triều Tiên vào năm 2014. Từ năm 2004 đến 2011, Hoa Kỳ chỉ thừa nhận 122 người tị nạn Bắc Triều Tiên và chỉ 25 người được tị nạn chính trị. Một số người Bắc Triều Tiên đã nhập cảnh bất hợp pháp, ước tính khoảng 200 người, và thường định cư trong cộng đồng người Triều Tiên ở Los Angeles. Một người dì và chú của Kim Jong-un đã sống ở Hoa Kỳ từ năm 1998.

Canada

Số lượng người xin tị nạn và đào tẩu Triều Tiên đã gia tăng ở Canada kể từ năm 2006. Đài Á Châu Tự Do báo cáo rằng chỉ riêng trong năm 2007, hơn 100 đơn xin tị nạn đã được gửi, và những người tị nạn Triều Tiên đã đến từ Trung Quốc hoặc các nơi khác với sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo và các tổ chức phi chính phủ ở Canada. Sự gia tăng nhanh chóng trong các đơn xin tị nạn đến Canada là do các lựa chọn hạn chế, đặc biệt là khi việc xin tị nạn trở nên khó khăn hơn. Vào ngày 2 tháng 2 năm 2011, Cựu Thủ tướng Stephen Harper đã gặp Kim Hye-sook, một người đào thoát Triều Tiên và cũng nhận được lời khuyên từ Tiến sĩ Norbert Vollertsen, "Canada có thể thuyết phục Trung Quốc không buộc hồi hương người tị nạn Bắc Triều Tiên trở lại Bắc Triều Tiên, thay vào đó, hãy để họ đến Hàn Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả Canada."

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên http://ajw.asahi.com/article/asia/korean_peninsula... http://www.asahi.com/english/Herald-asahi/TKY20070... http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2013/... http://www.chosun.com/w21data/html/news/199912/199... http://www.dailynk.com/english/read.php?cataId=nk0... http://www.japannewsreview.com/politics/20070603pa... http://www.japannewsreview.com/society/20070603pag... http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20131118000... http://news.naver.com/main/read.nhn?mode=LS2D&mid=... http://www.northkoreanrefugees.com/aboutus.html